Xuất bản thông tin

null Tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn minh của hội viên, nông dân

Trang chủ Phong trào nông dân

Tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn minh của hội viên, nông dân

(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, TW Hội NDVN đã tích cực chỉ đạo các tỉnh, thành Hội vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Các cấp Hội đã phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ hội viên mua máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm không tính lãi.

Hàng năm, TW Hội NDVN tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc vận động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo một ngày lương, đóng góp Quỹ “Hạt thóc vàng”. Thường trực TW Hội đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho các hộ gia đình nông dân nghèo; vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tổ chức chương trình bữa cơm có thịt, dinh dưỡng trẻ thơ, tặng quà bằng tiền mặt và hiện vật cho người nghèo trị giá hàng tỷ đồng, gồm các hoạt động: Tặng chăn ấm và dép cho học sinh nghèo; mừng tuổi cho nông dân nghèo bằng lợn giống; khoan tặng giếng nước và xây dựng vườn rau dinh dưỡng, tặng quà Tết cho nông dân khó khăn; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trẻ em và nông dân nghèo...
 
 
Các cấp Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT thực hiện ủy thác giúp hộ nghèo vay phục vụ sản xuất, hỗ trợ mua máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm không tính lãi. Đến nay, các cấp Hội xây dựng 57.523 Tổ TK&VV ngân hàng CSXH với 2.098.844 thành viên, 25.529 Tổ vay vốn ngân hàng NN&PTNT với 66.189 thành viên. Nhiều hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh đã thoát nghèo, vươn lên khá giả và làm giàu.
 
 
Quỹ HTND của các cấp Hội với nguồn vốn 3.065,82 tỷ đồng giúp nông dân xây dựng hàng nghìn mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. TW Hội NDVN quản lý cho vay 66,94 tỷ đồng tại 62/63 tỉnh, thành Hội với 485 dự án đang thực hiện, giải quyết việc làm cho 4.246 lao động nhàn rỗi nông thôn. Qua các chu kỳ vay vốn, các hộ vay vốn sản xuất, chăn nuôi đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay, tăng thu nhập, trả phí và gốc đầy đủ đúng thời gian quy định.
 
 
Hội phối hợp với Văn phòng Quốc gia giảm nghèo - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo “Phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”; tổ chức 10 lớp tập huấn về hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo tại các xã điểm vùng dân tộc, miền núi khó khăn cho 810 cán bộ Hội ND xã, chi Hội trưởng nông dân xã đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.
 
 
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến ... Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp đã giúp trên 790.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng/năm; đóng góp xây dựng hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 200 ngàn hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả, có hộ trở nên giàu có.
 
 
Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân, TW Hội đã ký Chương phối hợp với Bộ Y tế về tuyên truyền, vận động nông dân bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, tổ chức khám chữa bệnh lưu động đến các bản làng vùng cao để chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào, trang bị kiến thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nông dân tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh chăm sóc sức khỏe.
 
 
Các cấp Hội tổ chức được hàng ngàn cuộc hội thảo, tọa đàm, hội thi, giao lưu câu lạc bộ nông dân về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10), Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ (1-7/8), Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (15/4 - 15/5), Ngày toàn dân dùng muối Iốt (2/11), với sự tham gia của hàng triệu hội viên, nông dân.   
 
 
Hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách và các cuộc tuyên truyền cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng được 369 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện; xây dựng được 1.435 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Đến nay, đã có 17 tỉnh, thành phố Hội phối hợp với BHXH thành lập 1.518 đại lý thu BHXH, BHYT do Hội đảm nhiệm. Các cấp Hội đã trực tiếp vận động được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 3.560.000 người tham gia BHYT góp phần vào thực hiện thành công BHYT toàn dân. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tham gia vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp hội viên nông dân thuộc diện hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.
 
 
Thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, TW Hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện công tác dân số và sức khỏe sinh sản.
 
 
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 6.144 lớp tập huấn, truyền thông cho 325.640 cán bộ, hội viên, nông dân và tuyên truyền viên cơ sở về kỹ năng tuyên truyền, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, sức khỏe sinh sản, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát hiện, can thiệp sớm dị tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh; tuyên truyền,vận động đình sản, sử dụng các biện pháp tránh thai khác.
 
 
Hội tập trung tuyên truyền, vận động nam, nữ nông dân ở tuổi từ 18 - 49, chú trọng nam nông dân trong độ tuổi sinh đẻ ở các địa bàn có tỷ lệ mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, vùng miền còn nặng phong tục trọng nam hơn nữ, tập quán còn lạc hậu; nhiều nơi, các cấp Hội đã tổ chức ký kết, giao chỉ tiêu thi đua giữa các chi Hội về tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sinh con thứ 3, không chọn giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Đến nay, đại bộ phận hội viên, nông dân đều có ý thức, trách nhiệm chấp hành chính sách của Nhà nước về công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản; tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn nông thôn ngày càng giảm; ý thức của hội viên, nông dân về sử dụng các biện pháp trách thai, sàng lọc trước sơ sinh, phòng trách các bệnh HIV/AIDS... được nâng lên rõ rệt.
 
 
Đến nay, có hơn 2.390 mô hình, Câu lạc bộ với sự tham gia của 118.000 người gồm: Mô hình, câu lạc bộ “Nam nông dân không sinh con thứ 3”; “Chi Hội cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký không sinh con thứ 3”; “Nam nông dân với công tác DS - KHHGĐ”, không lựa chọn giới tính khi sinh; “Người cha trách nhiệm”, “ Người cha tốt của con”, “Dân số và phát triển”; “Tiền hôn nhân”; “Gia đình hạnh phúc”; “Gia đình phát triển bền vững”; “Nam nông dân phòng, chống bạo lực gia đình”; tổ chức hội thi giữa các câu lạc bộ về công tác dân số theo hình thức sân khấu hóa…
 
 
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 8.791 lớp tập huấn phòng chống ma tuý phòng, chống mại dâm và HIV/AIDS cho 327.802 lượt cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng được hơn 10.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên từ TW đến cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác truyền thông, tuyên truyền vận động nông dân đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội ở nông thôn, điển hình Hội ND các tỉnh như: Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Thái Nguyên… Thành lập và duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần của Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” thu hút các tình nguyện viên và những người thuộc đối tượng 05 - 06, tạo điều kiện cho các đối tượng được sinh hoạt và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau hòa nhập cộng đồng; xây dựng và duy trì mô hình “Chi hội Nông dân phòng ngừa lây nhiễm HIV và bệnh xã hội”.
 
 
Các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân tham gia giao thông an toàn, tổ chức tặng hàng triệu mũ bảo hiểm; tổ chức truyền thông, đối thoại, hội thi “Nông dân với An toàn giao thông” liên xã; xây dựng và duy trì mô hình “Nông dân với an toàn giao thông” với sự tham gia hàng vạn hội viên, nông dân; vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiến đất, góp tiền, góp công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng cổng làng, cung đường tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” do các chi Hội đảm nhiệm.
 
 
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đã được các cấp Hội rất quan tâm thực hiện thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

Vũ Duy